Quá tải sĩ số, không đủ phòng học tại Hà Nội chính là một trong những lo lắng khi chuẩn bị triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới tới đây. Chính vì vậy, cho dù phấn đấu duy trì mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục nhưng áp lực có đủ chỗ học cho học sinh tại Hà Nội vẫn là thách thức không hề nhỏ.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Thủ đô là đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2000 và duy trì tốt công tác Phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở, hiện có 30/30 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập Trung học cơ sở mức độ 2. Hằng năm, kinh phí trực tiếp dành cho công tác Phổ cập giáo dục tại Hà Nội là khoảng 2 tỷ đồng.
Ngoài ra trong năm 2017, việc có nguồn ngân sách thành phố đầu tư cho ngành giáo dục, cho các quận, huyện và thị xã vào các trường trực thuộc hơn 12 tỷ đồng.
Về công tác xóa mù chữ, hiện Hà Nội có 584/584 xã, phường, thị trấn và 30/30 quận, huyện, thị xã đạt tiêu chuẩn xóa mù chữ cấp độ 2. Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì phát huy kết quả Phổ cập giáo dục xóa mù chữ như thời gian qua.
Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng cho biết thêm, công tác Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ vẫn còn nhiều tồn tại. Một số địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể, khu vực nội thành Hà Nội sĩ số lớp đông, trong khi diện tích trường – lớp còn thiếu. Khu vực ngoại thành còn nhiều điểm lẻ và khó khăn về cơ sở vật chất.
Từ thực tế này, 1 vấn đề đang đặt ra là việc thiếu trường lớp như hiện nay nếu không sớm được khắc phục, chất lượng giáo dục sẽ khó được đảm bảo.
Điều lưu tâm hiện nay là theo quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì dự báo cho thấy, TP Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục thiếu trường.
Dự báo này được đưa ra ở rất nhiều buổi làm việc của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân Hà Nội tại các quận, huyện, thị xã như Đống Đa, Thường Tín, Ba Vì, Hà Đông, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy… về quy hoạch mạng lưới trường học Hà Nội đến năm 2030.
Đơn cử như quy hoạch đến năm 2020 của UBND quận Đống Đa dành cho số dân ở thời điểm 2010 vì thế so với thực tế sẽ luôn thấy bất cập. Điều đáng lo, hiện nay ở quận Đống Đa là còn 3 phường không có trường tiểu học và THCS đó là phường Quốc Tử Giám, Khâm Thiên và Ngã Tư Sở…
Căn cứ vào thực trạng gia tăng dân số cơ học như hiện nay, việc quy định mỗi phường có tối thiểu 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học, 1 trường THCS công lập trở lên đối với ngoại thành thì phù hợp, nhưng còn đối với nội thành thì không ổn chút nào bởi ở những khu đô thị mới, dân số đang gia tăng rất nhanh chóng.
Mặc dù từ năm 2011đến 2017, Hà Nội đã dành gần 28 nghìn tỷ đồng để sửa chữa, xây dựng mới 881 trường học, trong đó xây theem 250 trường, nhưng mạng lưới trường học trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định, mức tăng dân số ở cả 30 quận, huyện của thủ đô Hà Nội đều rất lớn, nên nhiều trường công lập ở một số quận có sĩ số học sinh trên lớp vượt quy định như Cầu Giấy bình quân trên 60 trẻ/lớp ở bậc Mầm non còn Tiểu học là 55 học sinh/lớp.